Kêu gọi chống lãng phí, sự khác biệt giữa lời nói và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy điều gì?

Tình trạng lãng phí tài sản, tiền bạc, vẫn diễn ra nghiêm trọng trong lĩnh vực công, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Đây là một tình trạng hết sức phổ biến của giới lãnh đạo, cũng như công viên chức trong bộ máy Đảng và nhà nước, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, cũng như làm giảm sút sự tin tưởng của người dân.

Ngày 13/10, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin và giới thiệu bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác chống lãng phí, đồng thời nêu ra một số giải pháp thích hợp.

Ông Tô Lâm thừa nhận, tình trạng lãng phí “còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước”.

Đáng chú ý, ông còn đưa ra các dẫn chứng xác thực, bằng con số cụ thể. Theo đó, trong 5 năm qua, đã có gần 3.100 dự án sử dụng vốn nhà nước có biểu hiện lãng phí, với tổng số tiền “thất thoát” lên đến 31.800 tỷ đồng. Gần 74.400 ha đất bị sử dụng sai mục đích và có dấu hiệu của nhóm lợi ích.

Ai cũng thấy, tham nhũng và lãng phí vốn là cặp bài trùng, do đó chống lãng phí phải song song với việc chống tham nhũng thì may ra mới đạt hiệu quả.

Cuộc chiến chống tham nhũng của cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, từ đầu năm 2024 đến nay, đã tiến hành rất mạnh mẽ và quyết liệt, với những kết quả gây chấn động dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Cụ thể, đã cho thôi chức 2 Chủ tịch nước, 1 Chủ tịch Quốc hội, và 1 Thường trực Ban Bí thư, cùng hàng loạt các lãnh đạo cấp cao, như phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh/ thành phố.

Tuy nhiên, công luận cũng đặt câu hỏi về vụ việc hết sức tai tiếng của ông Tô Lâm, dưới thời còn là Bộ trưởng Bộ Công an. Đó là sự xa hoa của Bộ trưởng Đại tướng Tô Lâm và trợ lý Tô Ân Xô xuất hiện trong một video quay cảnh bữa tiệc thịt bò dát vàng. Trong chuyến công du Anh Quốc vào cuối tháng 10/2021 của đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, ông Tô Lâm đã ăn món thịt bò dát vàng với giá 1450 bảng ở quán Salt Bae tại trung tâm thủ đô London.

Điều đó khiến cho công luận liên tưởng tới sự việc diễn ra tại Hội nghị Cán bộ Chủ chốt, ngày 30/6/2022, cố Tổng Bí thư Trọng đã mượn câu Kiều: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”, để nhắc nhở ông Tô Lâm.

Trở lại chủ đề chống lãng phí của ông Tô Lâm hiện nay, ông đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, đồng thời, nêu ra các giải pháp khắc phục. Theo đó, ông cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đó là yếu tố quan trọng để chống lãng phí.

Về kinh tế cũng vậy, Việt Nam phải thực hiện đúng, đủ và triệt để nguyên tắc: “vấn đề gì tư nhân đảm trách được, thì nhà nước không tham gia”, để tiến tới xóa bỏ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả. Mà việc rất nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, mỗi năm làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, là bằng chứng cụ thể.

Theo giới chuyên gia, các giải pháp của ông Tô Lâm vẫn chưa phải là giải pháp cơ bản. Mà vấn đề quan trọng bậc nhất, mang tính  then chốt, là phải đổi mới toàn diện thể chế chính trị Việt Nam hiện nay.

Theo đó, cần xác lập hệ thống tam quyền phân lập, cùng với hệ thống các tổ chức xã hội dân sự, để tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát, chống tham nhũng, chống lãng phí và tiêu cực, được thường xuyên.

Quan trọng hơn, cần phải tiến hành các biện pháp dân chủ hóa đất nước, thông qua việc mở rộng quyền làm chủ của người dân, như Hiến pháp đã hiến định.

 

Trà My – Thoibao.de