Tổng Bí thư Tô Lâm đang ở ngã rẽ quan trọng của sự nghiệp chính trị

Ngày 28/1, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Trần Hiếu Chân: “Sau Trung ương giáp Tết: Tô Lâm từ “hào hai” sang “hào ba””.

Tác giả cho hay, theo các nhà nghiên cứu Kinh Dịch tại Hà Nội, diễn biến sau Hội nghị Trung ương lần này đã làm sáng tỏ thêm vị thế chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cụ thể, nếu giai đoạn trước Hội nghị được ví như “hào hai” trong Quẻ Nội Quái, nơi Hiển Long (Rồng xuất hiện), báo hiệu sự phát triển năng lượng quyền lực, thì hiện nay ông đang chuyển mình sang hào ba – Dược Long (Rồng bay). Đây là thời kỳ bản chất quyền lực được củng cố, bộc lộ rõ ràng, và sẽ dẫn đến các động thái quyết liệt nhằm thanh lọc bộ máy, đối phó các phe phái, hướng tới việc kiểm soát toàn diện chính trường.
Theo tác giả, Hội nghị Trung ương trong 2 ngày từ 23 đến 24/01 đánh dấu một cột mốc chưa từng có tiền lệ, khi Tổng Bí thư Tô Lâm đồng thời quy về một mối ba vị trí trọng yếu: Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cấu trúc quyền lực “Tam trụ” này tạo nên một nền tảng chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt ông vào vị thế trung tâm, kiểm soát hoàn toàn từ hoạch định chính sách đến giám sát nội bộ.

Nếu đối chiếu với Kinh Dịch, thời kỳ này có thể được xem là sự chuyển tiếp từ Quẻ Nội Quái (Càn: sức mạnh nội tại) sang Quẻ Ngoại Quái (Càn: biểu hiện sức mạnh ra bên ngoài). Điều này báo hiệu không chỉ sự thăng hoa của quyền lực cá nhân, mà còn mang theo những trách nhiệm to lớn trong việc duy trì ổn định và dẫn dắt cải cách đất nước.
Tuy nhiên, cũng giống như ý nghĩa trong Kinh Dịch, “hào ba” là giai đoạn rồng bắt đầu bay lên, đòi hỏi sự sáng suốt trong điều hành. Một bước đi sai lầm trong việc tập trung quyền lực quá mức, có thể dẫn đến nguy cơ thất bại hoặc bị phản kháng từ các thế lực đối lập.
Tác giả cho rằng, Hội nghị Trung ương vừa qua được đánh giá là bước khởi đầu của giai đoạn mới, nơi Tổng Bí thư Tô Lâm cần “dọn sạch bãi đáp”, để tiến lên làm chủ hoàn toàn cơ cấu quyền lực trước thềm Đại hội 14. Đây có thể là sự khởi động của “hào bốn” – giai đoạn “Rồng vượt cạn”, chuẩn bị cho các quyết sách lớn lao nhằm tái cấu trúc bộ máy chính trị.
Tác giả Hiếu Chân cũng cho hay, một thách thức lớn đối với Tổng Bí thư Tô Lâm là quản lý đội ngũ cán bộ trong Đảng và các cơ quan nhà nước. Việc kiểm soát nội bộ cần được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng trên nền tảng công bằng và minh bạch.
Tuy nhiên, tác giả nhận xét, ông Tô Lâm cũng cần cảnh giác với các nhóm lợi ích, hoặc những nhân vật thân tín có thể lợi dụng uy tín của ông để mưu lợi cá nhân. Việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo trung thực, tài năng, và tận tụy là yếu tố sống còn để duy trì sự ổn định và hiệu quả của bộ máy chính trị.

Vẫn theo tác giả, với vai trò là Tổng Bí thư, ông Tô Lâm không chỉ lãnh đạo Đảng mà còn phải đảm bảo sự phối hợp hài hòa giữa các lực lượng chính trị và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa quân đội, công an và nhân dân.
Một vấn đề quan trọng khác mà ông Tô Lâm cần giải quyết, là sự bất mãn ngày càng gia tăng trong dân chúng. Những chính sách mang xu hướng “công an trị” nếu không được kiểm soát sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chính quyền.
Tác giả nhận định rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đang ở ngã rẽ quan trọng của sự nghiệp chính trị, nơi ông không chỉ cần củng cố quyền lực mà còn phải hiện thực hóa các mục tiêu cải cách. Hành trình từ “hào ba” (rồng bay) đến “hào bốn” (rồng vượt cạn) đòi hỏi sự tỉnh táo, minh triết, và khả năng hòa giải các lợi ích trong nội bộ lẫn ngoài xã hội. Quyền lực tuyệt đối của ông có thể mở ra một “kỷ nguyên mới” trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ông cần kết hợp sức mạnh nội tại với sự minh bạch, khả năng kết nối và lòng tin của nhân dân.

Hoàng Anh – thoibao.de