Ngày 31/1, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận: “Năm mới vẫn “hươu, vượn”, chưa thấy gì để hy vọng!”.
Theo đó, tác giả cho hay, Chủ tịch nước Lương Cường vừa gửi Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ với nội dung vẫn không có gì thay đổi, vẫn là bất kể những khó khăn, bế tắc về kinh tế, xã hội mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận để khẳng định vô bằng, rằng năm vừa qua, Đảng của ông đã dẫn dắt xứ sở “gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng tự hào”.
Tác giả đặt vấn đề, cứ như ông Cường khẳng định, thì hàng triệu người Việt sử dụng Internet để bày tỏ những băn khoăn về chuyện càng ngày càng chật vật, khó sống trước đủ loại khó khăn bủa vây là không… thành thật, họ thiếu… hiểu biết, chẳng chịu… lạc quan về tiền đồ tươi sáng của chính họ? Ông Cường và Đảng của ông, Nhà nước của ông vẫn thế, vẫn nói lấy được và tiếp tục tô vẽ cho “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh và thịnh vượng”, mà ông Tô Lâm vừa bày ra!
Tác giả Trân Văn dẫn chứng, cách nay chừng hai tuần, ông Vương, 52 tuổi, ngụ ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã giết bà mẹ liệt giường nhiều năm, bà vợ 50 tuổi, con gái 19 tuổi, con trai 17 tuổi, rồi uống thuốc ngủ để tự sát nhưng không chết. Khi bị bắt, ông Vương khai ông làm như thế là vì muốn giải thoát cho mình và người thân khỏi bế tắc vì quá nghèo. Vụ án vừa kể làm xã hội rúng động và sau đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam lên tiếng cải chính, rằng “gia đình bị can Vũ Văn Vương không phải hộ nghèo”.
Theo tác giả, khi bi bô về “tốc độ tăng trưởng kinh tế”, về “đời sống vật chất và tinh thần”, về an ninh, trật tự, quốc phòng, đối ngoại, ông Cường đã quên nhiều thứ.
Tác giả nhắc lại, năm vừa qua, có hàng triệu người bị lừa, mất sạch mọi thứ như thế song chính quyền không thể ngăn chặn. Dồn toàn bộ tâm lực, sức lực vào việc săn tìm, trấn áp những người dám bình phẩm đường lối, chính sách trên Internet mặc cho tội phạm qua mạng Internet lộng hành liệu có hợp lý? Ai cần sự “ổn định” ấy?
Trong thống kê mà Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố vào tháng 12/2024, về thực trạng doanh giới tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, hơn 173.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 15.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Cái gọi là “tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu thế giới” vẫn có ý nghĩa trước những số liệu như vừa đề cập?
Tác giả cho biết, trước đó vào 11/2024, khi giải trình với Quốc hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư từng nhận định, thực trạng vừa đề cập vẫn là hậu quả của thể chế, pháp luật. “Vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển”.
Vẫn theo tác giả, cũng chỉ cách nay vài tháng, có đại biểu quốc hội đã liệt kê hàng loạt khó khăn đang tác động trực tiếp không chỉ đến doanh giới mà còn khiến dân chúng khốn đốn: “Lạm phát” khiến “Vật giá gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng. Chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền và các nhóm dân cư càng ngày càng lớn, đặc biệt là giữa khu vực đô thị và nông thôn. Chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội chiếm khoảng 2,8% GDP trong năm 2024, nhưng hiệu quả còn hạn chế do sự phân bổ nguồn lực chưa đồng đều, và việc giám sát thực hiện chưa chặt chẽ”.
Vì vậy, tác giả kết luận, nếu ông Cường và Đảng của ông vẫn ưỡn ngực cho rằng thực trạng như đã biết, và đang thấy là “thành tựu đáng tự hào” thì năm mới có gì đáng để trông chờ?
Thu Phương – thoibao.de