Tướng Công an làm lãnh đạo tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương không hiếm. Ví dụ như Phạm Minh Chính từng là Bí thư Quảng Ninh, Nguyễn Đức Chung từng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, và Trần Quốc Tỏ từng là bí thư tỉnh Thái Nguyên… Tuy nhiên, đó là những tướng công an tự chọn con đường “lẻ bầy” để thực hiện quá trình thăng tiến. Nó không phải là kế hoạch công an trị của Tổng Bí thư.
Ngày 25/1 vừa qua, Thiếu tướng Công an Vũ Hồng Văn được Tô Lâm bố trí cho chiếc ghế Bí thư tỉnh Đồng Nai. Thông thường, vị trí Bí thư phải do Ủy viên Trung ương Đảng được đề xuất về tỉnh nắm giữ, riêng trường hợp Vũ Hồng Văn thì lại hoàn toàn khác. Trường hợp tướng Văn được cho là do Tổng Bí thư liệu việc. Trong thời gian tới, nếu các tướng như Đinh Văn Nơi, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Long được điều về nắm ghế Bí thư tỉnh thì đó đều là kế hoạch sắp xếp của Tô Lâm.
Lương Tam Quang được xem là bộ lọc của Tô Lâm. Hiện nay các tướng tá được được tuyển chọn rất kỹ. Chỉ có những kẻ biết tỏ ra trung thành, và tận tụy với Bộ trưởng và Tổng Bí thư mới được chiếu cố, còn nếu “cứng đầu” thì sẽ không có đường sống. Vậy nên, lúc này, nếu có tướng công an về nắm chức Bí thư tỉnh thì đó chính là tai mắt của Tô Lâm về nắm thóp các chính quyền tỉnh.
Chính sách xóa bỏ công an cấp huyện được xem là một phần của chính sách tinh giản. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào tính 2 mặt của chính sách Tô Lâm mới vỡ ra nhiều điều. Nó tương tự như Nghị định 168, bề ngoài là lập lại trật tự, nhưng mặt trái là luật hóa việc trấn lột của ngành công an, nhằm tưởng thưởng cho thuộc hạ và cho chính mình.
Trong chính sách dẹp bỏ công an cấp huyện, ý đồ của Tô Lâm là công an cấp tỉnh sẽ nắm trực tiếp Công an cấp xã không qua cấp trung gian. Điều này giúp cho giám đốc công an tỉnh có thể triển khai lực lượng nhanh hơn, hiệu quả hơn và đúng ý đồ hơn.
Giám đốc Công an tỉnh đương nhiên là người của Bộ trưởng Bộ Công an. Trong các sở cấp tỉnh, giám đốc sở được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm nhưng riêng giám đốc công an tỉnh lại do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm. Tức là giám đốc công an tỉnh chắc chắn là người của Tô Lâm và Lương Tam Quang.
Lấy ví dụ như Đinh Văn Nơi trước đây, được Tô Lâm điều từ An Giang ra Quảng Ninh, để moi ra sai phạm của ê kíp lãnh đạo tỉnh này từng dính vào vụ AIC. Tuy nhiên khi ra đất Bắc, Đinh Văn Nơi bị cô lập rất khó hoạt động khiến cho ý đồ của Tô Lâm không đạt kết quả như mong đợi.
Điển hình như ngày 7/12/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh bỏ phiếu tín nhiệm cho Đinh Văn Nơi thấp nhất, trong khi đó Bí thư tỉnh và là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thời Phạm Minh Chính Nguyễn Xuân Ký có phiếu tín nhiệm 100%. Sau đó, ngày 15/11/2024 ông Ký bị kỷ luật Đảng.
Đồng Nai hiện nay đang là mô hình công an trị cấp tỉnh của Tô Lâm. Giám đốc Công an tỉnh là Đại tá Nguyễn Hồng Phong là người của Tô Lâm, thêm Thiếu tướng Vũ Hồng Văn cũng là người của Tô Lâm thì xem như bộ máy chính quyền Tỉnh Đồng Nai bị kẹp giữa “đe” và “búa” của Tô Lâm, khi ấy Tô Lâm dễ kiểm soát chính quyền địa phương hơn.
Hiện nay Bộ Công an chỉ giảm cấp công an huyện chứ không giảm số lượng công an. Công an cấp huyện hoặc được đưa về xã hoặc bổ sung vào công an cấp tỉnh. Hiện quân số của ngành công an không hề giảm, thậm chí vẫn đang tăng.
Việc bố trí cho một tướng công an chưa có Ủy viên Trung ương Đảng về làm Bí thư tỉnh, là một bước đi mang tính thử nghiệm. Nếu cả Trung ương Đảng không cản được, Tô Lâm sẽ nhân rộng mô hình này, và khi đó, nhiều chính quyền địa phương hơn nữa sẽ thuộc về tay Tô Lâm.
Xem ra Tô Lâm đang rất tham vọng và đi những nước cờ rất táo bạo, để thâu tóm quyền lực từ Trung ương đến địa phương.
Trần Chương – Thoibao.de
——