Ngày 6/2, BBC Tiếng Việt có bài: “Mỹ đóng băng viện trợ nước ngoài, Việt Nam chịu thiệt gì?”.
BBC cho biết, Ngoại trưởng Marco Rubio vào hôm 25/1 đã gửi cho nhân viên dưới quyền biên bản ghi nhớ, cho biết sẽ không có thêm khoản tiền nào được cấp cho các chương trình tài trợ mới, hoặc gia hạn chương trình hiện có, cho tới khi từng đề xuất được đánh giá và chấp thuận.
Bản ghi nhớ cũng kêu gọi tiến hành đánh giá nội bộ về tất cả khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trong vòng 85 ngày.
Theo đó, Mỹ đã chi 68 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài tính riêng năm 2023, phần lớn thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Quốc gia này cũng là nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất toàn cầu tính tới nay.
Động thái kể trên đặt ra câu hỏi về số phận của những tổ chức, tập thể nhận viện trợ từ tổ chức này ở Việt Nam.
BBC cho biết thêm, ngân sách hàng năm cho hoạt động của USAID tại Việt Nam lên tới 150 triệu USD, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào tháng 6/2023.
USAID đã hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác trong nhiều lĩnh vực đa dạng kể từ năm 1989.
Thông tin chính thức USAID cho biết họ sẽ thực hiện nghỉ phép hành chính trên toàn cầu bắt đầu từ ngày 7/2. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án USAID đang triển khai tại Việt Nam cũng sẽ tạm thời dừng lại.
Các tổ chức rà phá bom mìn ở Việt Nam bị ảnh hưởng, đã đồng loạt phản hồi trước động thái của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo BBC, trong 30 năm tài khóa từ năm 1993-2023, chương trình Phá hủy Vũ khí Thông thường (CWD) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đầu tư gần 235 triệu USD tại Việt Nam, trong đó gần 27 triệu USD là thông qua USAID.
BBC cho hay, khi USAID và các khoản viện trợ của Mỹ bị tạm ngưng và chưa rõ khi nào quay trở lại, khoảng trống họ để lại trong mảng y tế được nhiều người xem là nguy cấp và tiềm tàng nhiều rủi ro về sức khỏe con người.
Trong giai đoạn từ 2014-2024, USAID đã triển khai 16 dự án hỗ trợ lĩnh vực y tế tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 90 triệu đô la, tập trung chủ yếu vào các dự án phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS.
Cánh tay viện trợ của USAID cũng kéo dài đến mảng giáo dục ở Việt Nam, nhưng khi nó được rút lại thì thứ để lại là sự hoang mang.
BBC dẫn lời một chuyên gia giáo dục tại Sài Gòn chia sẻ rằng, ông tham gia tư vấn cho một dự án nâng cao năng lực giáo dục nhận tài trợ của USAID, trong đó có các đối tác thụ hưởng là các trường đại học Việt Nam.
”Cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là người dân thụ hưởng sau cùng và về mặt nào đó thương hiệu nước Mỹ chắc cũng sứt mẻ không ít. Thực ra, USAID là công cụ quyền lực mềm của Mỹ nên chắc vẫn sẽ tiếp tục, nhưng sẽ theo những khuôn khổ của nhà nước mới.” – ông nhận định.
BBC cũng cho hay, vào năm 2023, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết 2 văn bản hợp tác về nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, và phát triển năng lực địa phương của Việt Nam với tổng giá trị ODA (viện trợ phát triển chính thức) là 100 triệu USD. Tổ chức này cũng công bố thực hiện dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) với tổng giá trị ODA là 36,3 triệu USD.
Trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, trong 30 năm qua, thông qua USAID, Mỹ đã đóng góp hơn 155 triệu USD. Chỉ tính riêng năm 2023, USAID đã hỗ trợ cho hơn 26.000 người khuyết tật tại Việt Nam.
Trong 5 năm qua, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp, và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, bao gồm cả việc ứng phó với bão, lũ và nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai.
BBC dẫn nhận xét của một chuyên gia ở Sài Gòn, cho rằng, ”Chuyện cắt quỹ là bình thường, nhưng cắt cái rụp như kiểu đợt này thì ko có tiền lệ, nên sốc cả hệ thống”.
Ý Nhi – thoibao.de
——