Tham vọng của ông Tô Lâm muốn bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án là không thể, vì có thông tin rằng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được Chính quyền Đức quan tâm, bố trí nơi ở đặc biệt, có Camera thông minh giám sát mọi lúc mọi nơi, và lực lượng đặc nhiệm canh chừng 24/24.
Khó khăn cho người này ắt là thuận lợi cho người khác. Việc Chính quyền Đức “bố trí lực lượng canh trộm” như thế đã gián tiếp bảo vệ sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Tô Lâm hiểu rằng, nếu làm liều cho người bắt cóc lần nữa như cách đây 7 năm, ông sẽ chuốc lấy nhục nhã.
Trên bàn cờ chính trị, Tô Lâm đã chuẩn bị phương án thay thế Phạm Minh Chính rất hoàn chỉnh. Trần Lưu Quang được đẩy lên rất nhanh và tràn trề hy vọng vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nếu không khui ra tội của ông Phạm Minh Chính thì rất khó để Tô Lâm lấy lý do mà buộc ông Thủ tướng rời ghế. Lâu nay Tô Lâm đánh mọi đối thủ đều từ hồ sơ đen, mà hồ sơ đen của Phạm Minh Chính còn khuyết nhiều trang quan trọng nên chưa thể.
Đáng nói là nếu bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì phe Phạm Minh Chính và quân đội sẽ đổ như “hiệu ứng domino”. Nói chung, việc bắt được bà Nhàn không chỉ giải quyết bài toán chiếc ghế Thủ tướng mà còn giải quyết luôn chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó, lực lượng Hưng Yên tại Bộ Quốc phòng sẽ ngoi lên giành lấy ghế Bộ trưởng.
Để công phá vào thành trì Phạm Minh Chính, phương án bắt bà Nhàn hoặc nắm lấy ghế Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 đều được tính tới. Tuy nhiên, cả 2 hướng đều chưa thấy rõ đường công sáng sủa. Đã hơn 2 năm, Tô Lâm bám vào 2 hướng này nhưng Phạm Minh Chính vẫn trụ vững. Xem ra muốn nhổ Phạm Minh Chính không phải là dễ đối với Tô Lâm.
Phạm Minh Chính không phải là người dễ bắt nạt. Nếu Tô Lâm không nhờ Bộ Công an thì đã không thể cạnh tranh ngang hàng với Phạm Minh Chính. Còn nhớ năm 2021, ông Phạm Minh Chính bất ngờ nhảy ngang từ Ban Bí thư sang Chính phủ nắm chức Thủ tướng. Trong khi, ông Chính không được Nguyễn Phú Trọng ủng hộ.
Đáng nói là khi đó Phạm Minh Chính đã chiến thắng Vương Đình Huệ, mà ai cũng biết ông Huệ được sự hậu thuẫn của ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó. Điều đó cho thấy, vây cánh của Phạm Minh Chính trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị vẫn còn rất đông. Phạm Minh Chính có thể được xem là trường hợp biết cách tiến thân trong nghịch cảnh.
Cuối năm Giáp Thìn, Tô Lâm thắng lớn với hàng loạt vị trí do phe cánh chiếm giữ. Nhiều đàn em được đưa vào bệ phóng. Tuy nhiên, bao nhiêu đấy vẫn chưa đủ chắc chắn Tô Lâm sẽ thành công như mong đợi. Phạm Minh Chính đã trụ được hơn 4 năm của một nhiệm kỳ đầy sóng gió cho thấy, Phạm Minh Chính là nhân vật rất khó bị bứng. Uy tín của Phạm Minh Chính trong Đảng không thấp hơn Tô Lâm, vậy thì lấy lý do gì Tô Lâm đẩy được Phạm Minh Chính rời ghế, nếu không có bộ hồ sơ đen để thuyết phục?
Nguyễn Phú Trọng ở nhiệm kỳ 2 là đỉnh cao của quyền lực, đấy là lúc ông mạnh nhất nhưng lại không thể giải quyết Phạm Minh Chính, thì liệu với quyền lực hiện tại Tô Lâm có làm hơn được Nguyễn Phú Trọng hay không? Nói về tiếng nói trước Trung ương Đảng, Tô Lâm còn rất xa mới bằng Nguyễn Phú Trọng, cho nên, Tô Lâm không thể thuyết phục suông Trung ương Đảng để loại ông Thủ tướng, chỉ có thể dùng hồ sơ đen, không còn hướng nào khác.
Về phía Phạm Minh Chính, dù là phận phòng thủ nhưng lại rất chắc chắn, thách thức thế lực mạnh nhất. Việc của Phạm Minh Chính là cứ dùng chiêu bài cũ bao lâu nay, không cần sáng tạo cách gì mới. Cứ bình tĩnh “đổ bê tông trước cầu môn”, và chờ trận đấu trôi đến lúc trọng tài nổi còi kết thúc. Thế là thành công. Quan trọng nhất là trong thời gian ngắn ngủi này, Phạm Minh Chính không thể để sơ hở cho Tô Lâm lợi dụng đánh úp.
Thái Hà-Thoibao.de
——